Ứng tuyển thành công vào những công ty công nghệ lớn (Big Tech) là mong muốn của rất nhiều lập trình viên. Vậy các ứng viên cần trang bị gì cho bản thân và trải qua các giai đoạn nào trong quá trình phỏng vấn?
Khi ứng tuyển vào bất kỳ một công ty nào, bạn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế chinh phục các vòng phỏng vấn. Tùy quy mô của từng công ty, quy trình phỏng vấn sẽ khác nhau. Ở các Big Tech, quy trình thường sẽ gồm 3 vòng chính là: CV Screening, Cold Call và Code Interview.
CV Screening - Sơ loại
Vòng này thường được gọi là vòng CV hay vòng hồ sơ. Tại đây, bộ phận HR sẽ nhận CV ứng tuyển từ ứng viên và lọc những CV đạt yêu cầu. Một số công ty sẽ lọc thủ công theo tiêu chuẩn riêng, một số công ty lớn thì lọc CV bằng máy và scan theo từ khóa.
Với vòng hồ sơ, ứng viên cần cập nhật nhanh chóng các yêu cầu tuyển dụng hiện đại, đồng thời chú ý tránh lỗi trên hồ sơ, kể cả những lỗi trình bày dù nhỏ nhất. Gần đây việc scan CV bằng máy cũng ngày càng phổ biến hơn ở những công ty lớn. Vậy nên hãy chọn lọc và nhấn mạnh những từ khóa quan trọng liên quan đến ngành công nghệ thông tin trong hồ sơ cá nhân.
Cold Call - Phỏng vấn qua điện thoại
Hằng năm, lượng CV ứng tuyển vào Big Tech rất nhiều và đa dạng về chuyên môn. Việc lọc CV chỉ giảm một phần nào đó lượng ứng viên. Vậy nên, vòng phỏng vấn qua điện thoại như một bước lọc chuyên sâu hơn nữa. Đây sẽ là giai đoạn bộ phận nhân sự chọn lọc những ứng viên phù hợp với văn hóa và yêu cầu riêng của doanh nghiệp.
Đối với một số công ty, đây sẽ là vòng sàng lọc những ứng viên có quan điểm làm việc, tư tưởng và định hướng phù hợp với công ty. Bộ phận nhân sự thường sẽ phác họa chân dung ứng viên công ty cần, sau đó xây dựng những câu hỏi test nhanh để sàng lọc.
Code Interview - Chuyên môn và Tư duy
Đối với riêng ngành công nghệ thông tin, việc kiểm tra chuyên môn và tư duy là rất quan trọng để chọn lọc nhân sự, đặc biệt là ở Big Tech. Có thể nói, đây là vòng phỏng vấn mang tính quyết định và gần sát chuyên môn nhất đối với ứng viên. Tuy nhiên, những thử thách về chuyên môn này cũng là những thử thách có độ khó cao nhất. Độ khó sẽ tăng dần qua từng câu hỏi trong bài kiểm tra. Thậm chí nhiều công ty sẽ có cả những câu hỏi để lọc “ứng viên thiên tài”.
Trong những năm gần đây, các bài test ở vòng Code Interview xoay quanh những vấn đề chính về chuyên môn và tư duy giải quyết vấn đề. Những câu hỏi về cấu trúc dữ liệu và giải thuật sẽ phổ biến hơn khi nhà tuyển dụng ngày càng chú trọng năng lực giải quyết vấn đề.
Đừng quên luyện tập với Leetcode - nền tảng thực hành các bài phỏng vấn tại Big Tech nhé: https://leetcode.com/
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể luyện thực hành Live Coding Leetcode miễn phí trên ProtonX: https://protonx.io/courses/63df080aa2588e0012eca7ea. Đã có rất nhiều bạn đã học và thành công vượt qua vòng này của Amazon, Google, Facebook, v.v.
Điều kiện ứng tuyển Big Tech
Big Tech khác với những công ty khác ở chỗ họ có quá nhiều ứng viên nhưng lại không có đủ thời gian để phỏng vấn trực tiếp từng người. Đó là lý do những bài test ra đời. Trước những bài test có độ phân loại ứng viên cao, kỹ năng chuyên môn thôi là chưa đủ. Bạn cần là một ứng viên có tư duy chuyên sâu và kỹ năng thành thạo, đáp ứng các điều kiện cần và đủ nổi bật để vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác.
Trước thực tế đó, nhiều ứng viên bỏ lỡ cơ hội vì một trong những lý do sau:
Vững kiến thức, tư duy những kỹ năng thực tế còn chưa thành thạo và linh hoạt.
Có kỹ năng làm việc tốt nhưng chưa có nền tảng tư duy về công nghệ thông tin.
Cả tư duy và kỹ năng đều ở mức khá, chưa nổi bật.
Tất cả những nguyên do này đều xuất phát từ môi trường đào tạo ở Việt Nam hiện nay chưa hoàn thiện được mọi khía cạnh mà doanh nghiệp cần. Đó là lý do vì sao bạn cần phải hiểu và nâng cấp bản thân trước khi bắt đầu ứng tuyển vào Big Tech.
Nâng cấp bản thân trước khi ứng tuyển vào Big Tech
Dựa trên những điều kiện cần đáp ứng ở trên, bạn sẽ cần phải có bước chuẩn bị trước khi nộp CV ứng tuyển vào Big Tech. Trước hết là tìm hiểu về công ty cũng như “chân dung ứng viên” mà công ty đó đang tìm kiếm. Sau đó là tự đánh giá bản thân, rằng bạn đang cần đào sâu tư duy, rèn luyện kỹ năng hay phải nâng cấp cả hai. Khi đã thực hiện xong hai việc trên, bạn sẽ dễ dàng so sánh và biết bản thân cần làm gì để mình trở nên nổi bật trước nhà tuyển dụng.
Anh Lê Văn Hồng Chân (1991) - kỹ sư Việt ở loạt “Big Tech” Mỹ cũng chia sẻ rằng nên có sự phối hợp giữa tìm kiếm cơ hội và nỗ lực của bản thân. Từ những lúc chuẩn bị hồ sơ, luyện tập phỏng vấn xin việc đến khi có công việc trong tay, bản thân luôn phải nỗ lực tìm hiểu và chuẩn bị để khi cơ hội đến thì mình mới có thể đạt được nó. Anh cho rằng: “Các bạn trẻ nên đi thực tập thật nhiều khi còn học đại học. Thực tập tại các công ty lớn càng nhiều, các bạn càng có cơ hội làm việc tại Big Tech. Nhưng để được thực tập tại các công ty lớn, các bạn phải chịu khó đi một hành trình từ từ, từ công ty nhỏ rồi đến công ty lớn. Các bạn hãy nỗ lực có cho mình những công việc thực tập đầu tiên, có đầu tiên sẽ làm tiền đề cho bạn có cái thứ hai, thứ ba, và nhiều hơn thế nữa”.